TIN VÀO KẾT LUẬN CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC
Đối với một nhà báo chuyên viết về mảng pháp luật, điều tra, theo chân các vụ án… thì mới hiểu được những khó khăn, vất vả khi đi tìm chứng cứ cho bài viết của mình. Nói thì dễ, nhưng khi bật máy ghi âm, ghi hình, nhiều nhân chứng thay đổi thái độ ngay. Những vụ việc càng phức tạp, việc tiếp cận các hồ sơ càng khó khăn hơn.
Vài năm trở về trước, nếu có trong tay một kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra, hoặc một kết luận điều tra của cơ quan công an, thì nhiều người làm báo đã cảm thấy thật đủ, xem đây như là chứng cứ “vàng”, cứ thế mà vung bút… múa ào ào. Yên tâm chắc mẩm một điều, kết luận thanh tra, kết luận điều tra gần như đến 99,9% là xong. Người bị kết luận thanh tra sẽ bị xử lý về mặt tổ chức, chính quyền, người bị kết luận điều tra thì đã là bị can, không lâu nữa sẽ trở thành bị cáo, ra tòa, có án phạt tù… Cho nên, không ít bài báo của những năm về trước, nhiều nhà báo còn vung tay quá trớn, kêu luôn những đối tượng trong các kết luận điều tra là hung thủ, kẻ cướp, tên sát nhân, kẻ lừa đảo.
Cùng với những đổi mới của nền tư pháp theo hướng ngày càng đảm bảo quyền công dân, đề cao tính nhân quyền, Hiến pháp năm 2013 xác định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Và trên thực tế, đã có không ít vụ việc, sau đó được xác định là kết luận thanh tra chưa đúng, kết luận điều tra đến giai đoạn xét xử lại tuyên không phạm tội. Như vậy, nếu chúng ta, những nhà báo, bị cuốn vào những kết luận kiểu đó, thì chắc chắn, việc phải “dây dưa” với tòa án là không tránh khỏi.
BẢN LĨNH TRƯỚC NGUỒN TIN
Một loạt bài điều tra khá nổi tiếng, thậm chí là được giải báo chí trong làng báo tại khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, sau đó một nhân vật trong loạt bài điều tra này đã có đơn khởi kiện cơ quan báo chí, nhà báo viết loạt bài điều tra đó vì đã làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của họ. Người viết bài điều tra đương nhiên cũng có đầy đủ chứng cứ để bảo vệ bài viết của mình, chuyện đúng – sai chắc phải chờ phán quyết của Tòa án. Nhưng trong chuyện nghề, đây có thể cũng là một câu chuyện để nhắc nhở cho những nhà báo, nhất là trong mảng điều tra, phải cẩn trọng hơn, đặc biệt khi đứng trước những chứng cứ kiểu như kết luận của các cơ quan chức năng, thậm chí là của cơ quan điều tra.
Không ít anh em trong giới báo chí cũng cho rằng, báo chí còn phải đảm bảo yếu tố thời sự, phải nhanh nhạy. Nếu vì cẩn thận, phải đợi đến bản án của Tòa án thì chúng ta còn gì để cung cấp cho bạn đọc những thông tin nóng hổi.
Thật đúng như vậy. Và đó cũng chính là những khó khăn của nhà báo làm điều tra. Nó đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn, để chứng cứ không phản lại chính người sử dụng nó. Chớ vì quá hăng say với nghề mà nhiệt tình một cách không cần thiết, vội vàng khép những người chưa hẳn có tội trở thành tội phạm. Nhỡ khi những chứng cứ mà chúng ta có được trở thành vô giá trị bởi một bản án có hiệu lực pháp luật, bởi một kết luận của cơ quan thanh tra cao nhất, thì các nhà báo lao theo những sự kiện kiểu ấy, e cũng khó thoát khỏi trách nhiệm.
Kim Kim
Theo nguồn Đặc san “Nhà báo & Nghề báo”